Hiển thị các bài đăng có nhãn Sự nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Sự nghiệp. Hiển thị tất cả bài đăng

Bác Hồ và nước Việt Nam

Bác Hồ là vị lãnh tụ tối cao, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Tìm hiểu về Bác, học tập Bác là một điều phải làm suốt cả cuộc đời và cho cả nhiều thế hệ mai sau. Với một sự hiểu biết rộng lớn, một tâm hồn bao la rộng mở, Bác đã để lại cho mọi người trên toàn thế giới sự ngưỡng mộ và kính phục lớn lao.
 
Năm 1890, Nguyễn Sinh Cung, chú bé sau này mang tên Hồ Chí Minh, cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Việt Nam khi đất nước Việt Nam đang bị thực dân Pháp chiếm đóng. Lớn lên, vào tuổi trưởng thành, năm 1911, Nguyễn Ái Quốc đã ra đi, bôn ba khắp bốn phương trời để mở đầu cho sự nghiệp cứu nhà, cứu nước.

Với một sự hiểu biết rộng lớn, một tâm hồn bao la rộng mở, Bác đã để lại cho mọi người trên toàn thế giới sự ngưỡng mộ và kính phục lớn lao.

Trong thời điểm lịch sử mà cả thế giới loài người đang trong cuộc đối đầu, đối địch lẫn nhau, Hồ Chí Minh đã đi đầu đấu tranh cho sự hòa hợp của các dân tộc trên toàn thế giới. Bác không chỉ mưu cầu cho sự nghiệp cứu nhà, cứu nước, đồng thời còn có lòng mong muốn giải phóng loài người khỏi cuộc sống lầm than.
Hồ Chí Minh là người tiếp thu mọi giá trị tư tưởng của loài người từ Đông sang Tây, từ châu Phi cho đến châu Mỹ. Bác đến với Chủ nghĩa Cộng sản, tiếp cận cả với tinh hoa của cách mạng tư sản và phong trào giải phóng dân tộc. Chủ nghĩa Cộng sản với Bác Hồ là một Chủ nghĩa Cộng sản tôn trọng cá nhân, vì con người đúng nghĩa.
Hồ Chí Minh là một con người kết hợp những tư tưởng duy lý của phương Tây với sự hài hòa của văn hóa phương Đông. Bác tìm hiểu các tư tưởng kinh điển của châu Âu, tư tưởng Mác - Lênin của phương Tây và cả Nho học, Khổng giáo lẫn Lão tử của phương Đông. Theo Bác, Khổng Tử, Mác, Lênin, Đức Phật, Jesus và Tôn Dật Tiên nếu còn sống thì các vị ấy sẽ sống thoải mái với nhau như những người bạn.
Bác là một nhà chinh tri lỗi lạc, đồng thời là một nhà báo, nhà văn, một nhà thơ, biết vẽ, biết đóng kịch và thấu hiểu các nền văn hóa kinh điển, lãng mạn và hiện đại, nói được nhiều ngoại ngữ của các dân tộc trên thế giới. Bác luyện cả võ công.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
Bác quen biết với tất cả các danh nhân, vĩ nhân trên thế giới. Ai gặp Bác lần đầu cũng đều cảm mến và Bác luôn luôn được coi là con người bình dị giữa mọi người. Sự hiểu biết rộng lớn của Bác không làm lu mờ bản chất văn hóa Việt Nam.
Hồ Chí Minh quan tâm từ việc lớn đến việc nhỏ, từ việc vạch ra đường lối giải phóng dân tộc, lãnh đạo quản lý đất nước cho đến việc đồng áng, trồng rau, nuôi cá và dạy dỗ trẻ con. Cái đặc biệt của Bác Hồ là một con người rất vĩ đại, đồng thời là một con người rất dung dị. Bác có ham muốn tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho mọi người và chỉ muốn có được một cuộc sống bình thường dung dị cho riêng mình.
Chúng ta ai cũng biết nhiều về các hoạt động chính trị của Bác, về vai trò lãnh đạo của Bác, nhưng không phải ai cũng hiểu hết về cuộc sống đời thường của Bác. Cuộc sống đời thường của Bác lại là một bài học lớn cho tất cả mọi người từ già tới trẻ trong cuộc sống của mình.
Bác là một lãnh tụ tối cao, nhưng Bác không cao đạo, không sùng bái cá nhân. Những con người bình thường ở khắp mọi nơi khi được tiếp xúc với Bác đều lưu giữ những kỷ niệm khó quên.
Vào nhà dân, Bác ngồi bệt xuống đất, bế trẻ vào lòng cho bé vuốt râu. Ra đồng, xắn quần lên cùng dân tát nước. Thử hỏi mấy ai trong số những lãnh tụ tối cao trên cõi thế gian này có một cuộc sống hòa đồng với mọi người như Bác.
Cái nhân cách, cái phẩm chất lớn lao nhất của Hồ Chí Minh là ở chỗ đó. Một con người hiếm có ở cõi thế gian.
Phương Đông và phương Tây, Quốc gia và Quốc tế, Lý trí và Tình cảm, Lãnh tụ và Dân thường, tất cả đều hòa nhập làm một trong một con người. Hồ Chí Minh đã giải quyết những mâu thuẫn ấy trong bản thể của mình một cách biện chứng và tuyệt vời. Bác không chỉ vĩ đại khi đứng ở một Cực mà đã nối liền các Cực hòa quyện trong bản thân, Âm Dương hợp nhất trong một bản thể. Một con người có nhân cách lớn, một con người theo đúng nghĩa làm Người. Vì vậy, Bác đã được thế giới tôn vinh là "Danh nhân văn hóa, Anh hùng giải phóng dân tộc". Bác Hồ là một "Vị Thánh của Cách mạng". Bác Hồ đồng thời là một Nhà tiên tri.
Trong thế kỷ XX, Bác Hồ là một vị lãnh tụ tối cao đã đem tài đức của mình ra để giải phóng đất nước thoát khỏi sự xâm lăng của nước ngoài.
Bước vào thế kỷ XXI, thế giới đang đứng trước những cơn biến động lớn. Việc xây dựng đất nước trong hòa bình đang đứng trước nhiều khó khăn nan giải. Một số lớn người dân vẫn đang còn sống trong cảnh cơ cực. Một số người đang bị biến chất.
Bác đã ra đi nhưng vẫn đang còn hiện hữu trên cõi đời này. Bác đang theo dõi từng bước đi của mỗi một con người, để vực con người ra khỏi sự mê lầm vấp ngã trước cái thế giới đang chứa đựng rất nhiều hiểm nguy, giả tạo.
Mỗi một con người Việt Nam hiện nay đều đang lắng nghe từ trong tâm khảm của mình tiếng vọng của Bác dội về để mà sống để mà thương yêu, đoàn kết dìu dắt nhau cùng vượt qua bước ngoặt lịch sử này

Di chúc Bác Hồ qua hồi ký của Thư ký riêng

Năm 1989, Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc cùng với các bài đăng trên một số tờ báo lớn công bố một số vấn đề mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau gần 20 năm Người đi xa, cuộc chiến tranh ác liệt, lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc cũng đã kết thúc hơn 10 năm; đồng chí Vũ Kỳ - người giúp việc tận tuỵ và trung thành trên cương vị thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945-1969), đã nhận rõ trách nhiệm với Người, với đất nước, đã âm thầm viết cuốn Hồi ký Bác Hồ viết Di chúc, với sự cộng tác tâm huyết của đồng chí Thế Kỷ, một sĩ quan quân đội chuyên nghiên cứu lịch sử chiến tranh của Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân.
Giữa năm 1989, khi bản thảo cuốn sách hoàn thành, đồng chí Vũ Kỳ tin tưởng gửi bản thảo đến Nhà xuất bản Sự thật để tiến hành biên tập, xuất bản. Đồng chí Hoàng Tùng khi đó vừa được Trung ương điều động về làm Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật - vốn là người chỉ đạo công tác tư tưởng nhiều năm, và với sự sắc sảo vốn có của nhà báo lão thành, nhận ra đây là những vấn đề rất nhạy cảm và hệ trọng cho nên đã đọc sửa chữa rất kỹ. Bản thảo lúc đầu có tiêu đề là Bác Hồ dặn lạihoặc Tôi để sẵn mấy lời này đã được đồng chí Hoàng Tùng đặt lại thành tên sách rất hay như ngày nay chúng ta biết là Bác Hồ viết Di chúc.
Bác Hồ, di chúc, độc lập, quốc khánh, quốc tang, Vũ Kỳ, hồi ký
Bác Hồ bên chiếc máy đánh chữ. Ảnh tư liệu
Sau đó, cuốn Bác Hồ viết Di chúc của Vũ Kỳ do Thế Kỷ ghi đã được Nhà xuất bản Sự thật in cùng một lúc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và phát hành rộng rãi trong cả nước nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969 - 1989). Cũng thời gian này, đồng chí Vũ Kỳ viết một số bài báo liên quan đến việc Bác Hồ viết Di chúc.

Quá trình công bố Tài liệu 'tuyệt đối bí mật'

Di chúc đã thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm của Người đối với Đảng, với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với thế hệ trẻ, với các tầng lớp nhân dân ta và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; phản ánh tập trung những tư tưởng, tác phong, đạo đức và tình cảm cao đẹp của Người.
LTS:Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mở đầu là bài viết của TS Lưu Trần Luân, NXB Chính trị Quốc gia, một trong số ít người may mắn được giao nhiệm vụ tham gia quá trình xuất bản toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên vào năm 1989, sau khi Ban Bí thư ra Thông báo "Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9 giờ 47 phút ngày 2-9-1969. Bên cạnh Người lúc lâm chung là tập thể Bộ Chinh tri, những học trò xuất sắc và cộng sự thân cận của Người.
Ngay chiều ngày 3-9-1969, Bộ Chính trị quyết định triệu tập Hội nghị bất thường Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp vào để bàn và quyết định việc tổ chức Lễ quốc tang Hồ Chủ tịch với nghi thức trọng thể nhất, đồng thời quyết định công bố Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác Hồ, di chúc, Hồ Chí Minh, 2/9, Quốc khánh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, một tư tưởng lớn. Ảnh tin tuc
Ngày 9-9-1969, Lễ quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Di chúc của Người đã được Bộ Chính trị giao cho Nhà xuất bản Sự thật xuất bản và công bố cùng ngày quốc tang với số lượng lớn, được trình bày, in ấn trang trọng, tiện ích trong sử dụng và bảo quản được lâu dài, có thể xem như đỉnh cao của công nghệ in ở nước ta thời kỳ đó. Cùng với việc xuất bản thành sách, sau Lễ quốc tang, Di chúc của Người được nhiều tờ báo từ Trung ương đến địa phương đăng tải, công bố cả bút tích Di chúc của Người trên trang nhất.

Quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh

Mỗi quốc gia, dân tộc trong tiến trình phát triển đều phải lựa chọn cho mình một con đường đi phù hợp. Sự lựa chọn con đường phát triển của đất nước trong mỗi thời kỳ lịch sử thường gắn với tên tuổi của một vĩ nhân, một anh hùng lỗi lạc của dân tộc. Hồ Chí Minh cũng là một vĩ nhân như vậy. Người đã có công lớn trong việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc khỏi sự thống trị của chủ nghĩa thực dân. Qúa trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Người bắt đầu với sự kiện đầy tính biểu tượng - rời bến cảng Nhà Rồng sang phương Tây vào ngày 5/6/1911 trên con tàu buôn mang tên Đô đốc Latouche Tréville. Đó là chuyến ra đi thế kỷ, là khởi nguồn của những biến đổi không chỉ trong nhận thức của Người mà còn là điểm bắt đầu cho quá trình lựa chọn con đường cứu nước mới, giải phóng dân tộc Việt Nam.

Trở lại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, lịch sử đã đặt ra cho dân tộc hai nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết: đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc và canh tân đất nước, đưa Việt Nam đuổi kịp các nước văn minh trên thế giới. Hai nhiệm vụ này gắn bó chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau không thể tách rời. Tuy nhiên, trong quan hệ này giải phóng dân tộc trở thành nhiệm vụ cấp bách, cần phải thực hiện trước tiên. Phát triển đất nước là nội dung quan trọng của tiến trình cách mạng nhưng mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện có hiệu quả khi dân tộc được giải phóng, độc lập.

TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (1890 - 1969)

Bac-Ho

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho, nguồn gốc nông dân, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và sự giáo dục của gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, sự nhạy bén về  chinh tri, Người đã bắt đầu suy nghĩ về những nguyên nhân thành bại của các phong trào yêu nước lúc bấy giờ và quyết tâm ra đi tìm con đường để cứu dân, cứu nước. 
Tháng 6 năm 1911, Người đi ra nước ngoài, suốt 30 năm hoạt động, Người đã đi đến nước Pháp và nhiều nước châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ. Người hòa mình với những phong trào của công nhân và nhân dân các dân tộc thuộc địa, vừa lao động kiếm sống, vừa học tập, hoạt động cách mạng và nghiên cứu các học thuyết cách mạng. Năm 1917, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ đây, Người đã nhận rõ đó là con đường duy nhất đúng đắn để giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp.
Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp và hoạt động trong phong trào công nhân Pháp. Tháng 6 năm 1919, thay mặt Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người gửi tới Hội nghị Versailles (Pháp) Bản yêu sách của nhân dân An Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam .
Tháng 12 năm 1920, tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours, Người bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1921, tại Pháp, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Người viết nhiều bài đăng trên các báo “Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”, ... Đặc biệt, Người viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân các nước thuộc địa. Tất cả các bài viết của Người đều được bí mật chuyển về nước và lưu truyền trong mọi tầng lớp nhân dân.
Ngày 30/6/1923, Người đến Liên Xô và bắt đầu một thời kỳ hoạt động, học tập và nghiên cứu về chủ nghĩa Mác – Lênin, về chế độ xã hội chủ nghĩa ngay trên đất nước Lênin vĩ đại. Tại Đại hội lần thứ I Quốc tế Nông dân (10/1923), Người được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân. Năm 1924, Người dự Đại hội lần thứ V của Quốc tế Cộng sản và được cử làm cán bộ Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đồng thời là Ủy viên Đoàn chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc được giao theo dõi và chỉ đạo phong trào cách mạng ở một số nước Châu Á .
Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông, sáng lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về trong nước, đồng thời mở lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam.
Ngày 3/2/1930, tại Cửu Long (Hồng Kông), Người triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, thống nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ năm 1930 đến năm 1940, Người tham gia công tác của Quốc tế Cộng sản ở nước ngoài, đồng thời theo dõi sát phong trào cách mạng trong nước và có những chỉ đạo đúng đắn cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta.
Sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, năm 1941 Người về nước, triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám, quyết định đường lối đánh Pháp, đuổi Nhật, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng quần chúng, chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Thực hiện chỉ thị của Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Sam Cao, thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.
Tháng 8 năm 1945, Người cùng Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và chủ trì Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, cử Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Người đã phát lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam đã nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố trước nhân dân cả nước và nhân dân thế giới quyền độc lập của dân tộc Việt Nam.
Tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp câu kết với đế quốc Mỹ, Anh và lực lượng phản động Quốc dân Đảng (Trung Quốc) trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Quân đội Pháp mở rộng đánh chiếm miền Nam và lấn dần từng bước kéo quân đánh chiếm miền Bắc, âm mưu tiến tới xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 9/1/1946, cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lần đầu tiên trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I, Người được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người tiếp tục cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tháng 7 năm 1954, với thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Géneva được ký kết. Miền Bắc được giải phóng. Miền Nam bị đế quốc Mỹ xâm lược biến thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Người cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Người, nhân dân ta vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 2/9/1969, mặc dù đã được các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu Người đã từ trần, hưởng thọ 79 tuổi.
Cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình cho Tổ quốc, cho nhân dân, vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức, vì hòa bình và công lý trên thế giới.
Năm 1987, tại kỳ họp lần thứ 24, Tổ chức Giáo dục - Văn hóa - Khoa học của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hóa kiệt xuất” .