Cuối thế kỷ IXX đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam liên tục đấu tranh, nhưng tất cả các xu hướng, hình thức, tổ chức đấu tranh đều không thành công.
Nghiên cứu những bài học lịch sử của các bậc cha anh và khảo nghiệm trong thực tiễn, anh Nguyễn Tất Thành thấy rằng muốn cứu nước, cứu dân phải đi bằng con đường khác, ra nước ngoài, nhưng theo một hướng khác. Đó là kết luận của anh thanh niên Nguyễn Tất Thành với lòng yêu nước đặc biệt mãnh liệt, một suy nghĩ táo bạo của người thanh niên yêu nước, quyết tâm khám phá bằng được con đường giải phóng cho đồng bào.
Sau một thời học tập ở Huế, anh đã đi vào phía Nam dạy và học ở trường Dục Thanh - Phan Thiết một năm, rồi đến thành phố Sài Gòn náo nhiệt, một trung tâm công nghiệp, có thương cảng kiểu phương Tây. Đây là ngưỡng cửa đưa Anh bước sang chặng đường mới.
Ngày 3-6-1911, Nguyễn Tất Thành với tên mới là Văn Ba bắt đầu làm việc tại tàu Amiran Latutsơ Tơrêvin. Ngày 5-6-1911 tàu nhổ neo nhằm hướng phương Tây đưa anh xa dần Tổ quốc đau thương, nhưng vô cùng anh dũng. Anh mong một ngày không xa sẽ trở lại đất nước đã sinh ra để cứu dân, cứu nước.
Sau hơn 30 ngày lênh đênh trên biển cả, ngày 6-7-1911, tàu đến cảng Mácxây, thành phố lớn thứ hai của nước Pháp, sau Pari. Trước kia, Nguyễn Tất Thành mới biết nước Pháp qua sách, báo, các bài học, cái gì cũng tốt đẹp. Nay, đặt chân lên đất nước Pháp, anh quan sát chăm chú, phát hiện thấy một hiện tượng không ngờ là ở đâu cũng có người rách rưới nghèo khổ, làm việc ở bến tàu, trong xưởng máy, ở những ngôi nhà tồi tàn lụp xụp, chật hẹp, mà không xa đó là ngôi nhà to, đẹp, lộng lẫy. Anh Nguyễn Tất Thành suy nghĩ tại sao họ không lo khai hoá cho đồng bào họ thoát khỏi cảnh lầm than này mà lại đi khai hoá ở hải ngoại, ở Việt Nam? Một điều đáng ngạc nhiên là có nhiều người Pháp đã biểu thị thái độ lịch sự đối với anh, khác hẳn thái độ hống hách, thô bạo của những người Pháp mà anh đã gặp ở Việt Nam? Từ đó anh rút ra nhận xét: "Những người Pháp ở nước Pháp phần nhiều là tốt, song những người thực dân Pháp rất hung ác, vô nhân đạo, ở đâu chúng nó cũng thế… đối với thực dân tính mạng của người dân thuộc địa da vàng hay da đen cũng không đáng một xu” và anh nhận xét tiếp: “những người cùng khổ ở ngay nước Pháp có thái độ tốt đối với Anh và người dân thuộc địa bị áp bức bóc lột da đen cũng bị áp bức bóc lột bởi bọn người da trắng như dân tộc Việt Nam đều có thể là bạn".
Đây là mầm mống đầu tiên về sự phát hiện lực lượng xã hội có thể là bạn đồng minh của dân tộc Việt Nam ngay trên đất Pháp.
Khi đến Mácxây, anh đã sống những ngày cực khổ. Nhưng với dũng khí lớn và có mục tiêu rõ ràng là làm thế nào "để cứu được nước, giải phóng được dân tộc" ý chí đó nung nấu và đã tiếp thêm nghị lực cho anh. Ngày 15-9-1911, từ Mácxây anh viết đơn gửi Tổng thống Pháp A.Phalie, muốn xin vào học trường thuộc địa, anh muốn được học tập để làm điều gì đó có ích cho đồng bào mình, nhưng trường chỉ dạy ngôn ngữ và văn minh Pháp cho những thanh niên Việt Nam do toàn quyền Đông Dương gửi sang. Tháng 10-1911, tại Mác-xây, Anh nhận được thư gửi từ Pa ri trả lời từ chối yêu cầu của anh trong thư gửi Tổng Thống Pháp. Cuối năm 1911, Nguyễn Tất Thành rời Mácxây đi cảng Lơ Havơrơ, không bao lâu anh từ giã nước Pháp xuống làm thuê cho tàu Sácgiơ Rêmyni chở hàng, trở lại với biển cả, ghé qua nhiều nước mới lạ. Ngày 15-12-1912, Anh đến New York (Mỹ). Cuối năm 1913, Nguyễn Tất Thành rời nước Mỹ sang nước Anh rồi sang các nước thuộc châu Âu, châu Phi.
Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành trở lại nước Pháp và đến Pari, một thành phố nổi tiếng thế giới với những công trình kiến trúc đồ sộ và đẹp. Pari không chỉ có sức hấp dẫn đối với anh bởi những vẻ đẹp của các công trình kiến trúc cổ kính đồ sộ như tháp ÉpPhen, nhà thờ Xácrê cao ngất hay bảo tàng Lơ Luvơrơ với những hiện vật vô cùng quý giá... Pari thu hút anh vì còn có rất đông người Việt Nam hơn bất cứ nước nào. Năm 1911 cả nước Pháp mới chỉ có khoảng trên 100 người Việt Nam, nhưng cuối năm 1917 số người Việt Nam đã tăng lên đến 9 vạn người, trong đó có nhà yêu nước Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và nhiều anh em thuỷ thủ mà anh đã có dịp trao đổi thư từ. Pari còn trung tâm của Châu Âu tư bản chủ nghĩa. Mọi sự diễn ra trên thế giới, đặc biệt là ở các nước thuộc địa Pháp, trong đó có Việt Nam được truyền đến khá đầy đủ và nhanh chóng[1].
Hơn nữa Pari lúc này được coi là "Trung tâm liên minh thế giới của bọn đế quốc"[2] giai cấp tư sản Pháp là thành trì của phản động thế giới[3] cho nên nó đại diện cho tính chất nham hiểm, sảo quyệt, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, tiến công vào nó về ý nghĩa nào đó cũng là tiến công vào chủ nghĩa đế quốc. C. Mác, Ph. Ăngghen, và V.I Lênin cũng đã nhiều lần đến Pari4 trong quá trình hoạt động cách mạng.
Lúc mới đến Pari, Anh nhận được sự giúp đỡ, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo của những người anh em cùng cảnh ngộ nơi đất khách quê người. Mặc dù cuộc sống của mọi người đều khốn khổ. Anh sớm lo liệu việc làm để sống, điều kiện và phương tiện để hoạt động, anh học nghề in, phóng ảnh do anh Phan Châu Trinh hướng dẫn. Sống ở thủ đô một nước tư bản chủ nghĩa, người thất nghiệp đầy rẫy, kiếm được một nghề làm ra tiền dù ít ỏi không phải là một việc dễ. Song Nguyễn Tất Thành đến Pari không phải mục đích để kiếm việc làm, mà để tìm sự giải đáp cho câu hỏi cứu nước bằng con đường nào?
Giữa lúc bọn đế quốc đang mải miết theo đuổi cuộc chiến tranh, thì cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga bùng nổ (1917) và giành thắng lợi, làm cho chúng giật mình hoảng hốt, nên chúng đã huy động mọi phương tiện nhằm ngăn chặn tiếng vang của cách mạng tháng Mười và xuyên tạc chính quyền Xô Viết mới ra đời. Lúc bấy giờ Nguyễn Tất Thành chưa hiểu hết được ý nghĩa và tầm quan trọng của cách mạng tháng Mười do vậy Anh ủng hộ cách mạng tháng Mười lúc đầu chỉ là "theo cảm tính tự nhiên" vì Anh biết cách mạng xã hội là tiến bộ, là một sự đổi mới.
Ngày 18-6-1919, trong khi các nước đế quốc thắng trận họp hội nghị ở Véc xây. Nhân dịp này, Nguyễn Tất Thành cùng với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và anh em trong "Hội những người Việt Nam yêu nước" họp bàn và đưa một bản yêu sách của nhân dân Việt Nam tới nguyên thủ các nước để nghiên cứu, giải quyết, ký tên Nguyễn Ái Quốc. Đây là lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc xuất hiện trong lịch sử, một cái tên mới của anh Nguyễn Tất Thành gây nên sự chú ý đặc biệt trong đồng bào ta ở Pháp, ở trong nước và cả đối với kẻ thù.
Từ đó, những cuộc gặp gỡ, tranh luận của đồng chí Nguyễn Ái Quốc với các nhà hoạt động chinh tri có tên tuổi, trong các cuộc hội họp của công nhân, ký tên trên các bài báo... càng làm cho đế quốc Pháp bám sát theo dõi Người gắt gao hơn. Cũng trong cuộc đấu tranh với kẻ thù, đồng chí đã tìm thấy vũ khí mới, cực kỳ quan trọng sắc bén đó là việc viết bài đăng báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Đồng chí đã học tập và sử dụng báo chí trong cuộc đấu tranh với thực dân rất kiên trì, nhẫn nại và đã thành công. Đó là những bài có nội dung phong phú nghị luận chặt chẽ, lời văn trong sáng, trau chuốt, lên án đanh thép bọn đế quốc. Từ năm 1919, xu hướng cộng sản chủ nghĩa xuất hiện ở Pháp, tạo ra khí thế đấu tranh sôi nổi làm rung chuyển cả thành phố Pari. Từ đầu năm 1920, lôi cuốn đồng chí Nguyễn Ái Quốc một cách say sưa vào cuộc mít tinh hội họp... làm cho sinh hoạt của đồng chí trở nên luôn luôn khẩn trương.
Thời kỳ này, sách báo viết về Cách mạng tháng Mười và chính quyền Xô viết một cách trung thực rất hiếm hoi, nên không mấy người được đọc.
Báo Nhân đạo (L'Humanite) số ra trong hai ngày 16 - 17-7-1920 đã đăng toàn văn Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa, của Lênin lập tức thu hút sự chú ý của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. “Trong luận cương ấy có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo:
"Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ! đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!.
Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin tin theo Quốc tế thứ III”[5].
Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin tạo ra một bước chuyển biến cơ bản trong nhận thức tư tưởng và chính trị của nhà cách mạng Việt Nam Nguyễn Ái Quốc. Người đã viết thư gửi Quốc tế Cộng sản cho biết Luận cương đã ảnh hưởng đến quan điểm của Người và Người dứt khoát đi theo Quốc tế III. Ngày 25-12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp (Đại hội Tua), ngày 29-12-1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản). Cùng ngày Nguyễn Ái Quốc và những người gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập Phân bộ Pháp Quốc tế Cộng sản. Từ giờ phút ấy, Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản, là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đồng thời cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Từ đây, hình ảnh Lênin và Quốc tế thứ III luôn luôn là nguồn động lực tinh thần của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trên con đường đã định hướng. Sự gặp gỡ kỳ diệu về tư tưởng giữa một người cộng sản vĩ đại, người sáng lập ra Quốc tế III, với một người bản xứ thuộc địa, yêu nước rất nhiệt thành không phải ngẫu nhiên mà là một tất yếu của lịch sử.
Sự vĩ đại của đồng chí Nguyễn Ái Quốc chính là trong thế giới và xã hội tư bản chủ nghĩa phức tạp lúc đó đã tìm ra chân lý, phân biệt cái đúng, cái sai, cái thật cái giả, bạn tốt và không tốt, thấy được phương hướng chính xác để hoạt động.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi con đường riêng của mình từ một thanh niên yêu nước, mang trong mình dòng máu yêu nước truyền thống của dân tộc, gắn liền với đội ngũ giai cấp công nhân đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, rồi trở thành người cộng sản. Đó là con đường giải phóng dân tộc Việt Nam mà đồng chí đã tìm ra - con đường kết hợp giữa chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Người khẳng định chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có hướng theo con đường cách mạng do Mác - Lênin vạch ra thì mới giải phóng được dân tộc Việt Nam và thực tế đã chứng minh con đường Bác đã chọn hoàn toàn đúng đắn.
[1] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1984, tr.24.
[2] V.I Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ. Mátxcơva, 1977, t.39, tr.209.
[3] Thư của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản: Gửi tất cả các đảng viên Đảng Xã hội Pháp, tất cả những người vô giác ngộ ở Pháp, ngày 26-7-1920.
[4] C. Mác đến Pari vào những năm 1846, 1848, 1849. Ph. Ăngghen đến những năm 1844, 1848. V.I. Lênin đến những năm 1908, 1912.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9, tr.126 -127
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét