Hồ Chí Minh với việc thiết lập Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam

Giành chính quyền, thiết lập nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng. Trong hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã phải trải qua một quá trình tìm tòi, khảo nghiệm sâu sắc nhiều cuộc cách mạng để xác định một thể chế nhà nước thích hợp - nhà nước đại diện cho dân chúng số đông, thực sự của dân, do dân và vì dân.
Anh 1 copy.jpg 1403570978065
Khác với nhiều nhà yêu nước đương thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh không sang Nhật Bản hay Trung Hoa mà lên đường sang phương Tây, hoà mình vào cuộc sống của người lao động, "để xem họ làm như thế nào" rồi về giúp đồng bào cởi ách nô lệ, giành lại tự do, độc lập. Gần 10 năm bôn ba khắp các châu lục, khảo sát cuộc sống đấu tranh của nhiều dân tộc trên thế giới, Người đã tiếp thu sáng tạo các khuynh hướng tư tưởng tiến bộ của thời đại và các hình thức tổ chức quyền lực nhà nước đương thời nhằm vạch ra cho dân tộc con đường giải phóng và phát triển phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại.
Năm 1919, nhân danh một nhóm người Việt Nam yêu nước, Người đã gửi đến Hội nghị vécxây bảnYêu sách của nhân dân An Nam đòi Chính phủ Pháp phải thực hiện chế độ cai trị bằng các đạo luật thay cho chế độ cai trị bằng sắc lệnh của Toàn quyền Đông Dương. Bản yêu sách nêu rõ: "Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu", "Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật"1. Trong lịch sử chinh tri và pháp lý nước ta, đây là văn kiện pháp lý đầu tiên đặt vấn đề kết hợp quyền tự quyết của các dân tộc với quyền tự do dân chủ của nhân dân, tức là gắn quyền dân tộc với quyền con người. Đây cũng chính là những biểu hiện đầu tiên về tư tưởng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh.
Khảo sát mô hình nhà nước tư sản Pháp và Mỹ, sản phẩm của các cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới, Người đã chỉ ra những ưu điểm, đồng thời cũng nêu lên những hạn chế của các thể chế nhà nước này. Người đặc biệt chú ý đến những tư tưởng tiến bộ thể hiện trong Tuyên ngôn độc lập của Hợp chúng quốc Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cộng hoà Pháp. Người nêu rõ: "Trong lời tuyên ngôn của Mỹ có câu rằng: Giời sinh ra ai cũng có quyền tự do, quyền giữ tính mạng của mình, quyền làm ăn sung sướng... Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đập đổ chính phủ đó đi, và gây lên chính phủ khác..."2 và "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"3. Đánh giá cao giá trị nhân văn của cách mạng tư sản, song Người cũng thấy được những hạn chế của nó, vạch rõ đằng sau những lời hoa mỹ về quyền tự do, bình đẳng mà giai cấp tư sản rêu rao là tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói, bất công, phân biệt chủng tộc. Nhận định về cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp, Người nêu rõ đó là những cuộc "cách mạng không đến nơi"4, vì chính quyền vẫn ở trong tay một số ít người, là công cụ bạo lực của thiểu số bóc lột, "tiếng là cộng hoà dân chủ, nhưng kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa"5, "công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai"6.
Nghiên cứu, so sánh cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp với Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã nhận rõ cách mạng Nga là một cuộc cách mạng triệt để nhất, "đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật... Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới". Từ đó Hồ Chí Minh đã quyết định lựa chọn con đường cách mạng theo lý luận giải phóng của chủ nghĩa Mác - Lênin và Cách mạng Tháng Mười, thiết lập một thể chế nhà nước mới đại biểu cho lợi ích của đông đảo dân chúng.
Nhà nước Xôviết do Lênin sáng lập với các chính sách "phát đất ruộng cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền,... ra sức tổ chức kinh tế mới, để thực hành thế giới đại đồng"7 đã gợi cho Người về một kiểu nhà nước sẽ được xây dựng ở Việt Nam sau khi nước nhà giành được độc lập. Người nêu rõ: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc"8.
Xác định con đường giải phóng dân tộc theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã xúc tiến chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người tổ chức và lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xây dựng nhà nước. Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo được Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 thông qua đã xác định "dựng ra chính phủ công nông binh".
Với cương lĩnh cách mạng đúng đắn, sáng tạo, ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lôi cuốn được đông đảo quần chúng đấu tranh chống thực dân, phong kiến đòi quyền sống, quyền độc lập dân tộc, mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ Tĩnh. ở hai tỉnh này, lần đầu tiên đã xuất hiện mô hình nhà nước xôviết dưới hình thức là Xã bộ nông, Thôn bộ nông. Đó là những mầm non đầu tiên của một hình thức chuyên chính cách mạng. Chính quyền - vấn đề cơ bản của cách mạng đã được hiện thực hoá. Xoá bỏ chính quyền thực dân, phong kiến thiết lập chính quyền cách mạng là thành quả to lớn nhất của nông dân Nghệ Tĩnh, là đỉnh cao "tột bực trong những ngày Xôviết Nghệ An"9.
Mùa Xuân năm 1941, sau 30 năm bôn ba khắp nhiều châu lục, Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Người chủ trì đã quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh, xúc tiến chuẩn bị tổng khởi nghĩa khi có thời cơ, chủ trương "lập chính phủ dân chủ cộng hoà"10Chương trình Việt Minh nêu rõ: "Sau khi đánh đuổi được bọn đế quốc Pháp, Nhật sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hoà... Chính phủ ấy do do Quốc dân Đại hội cử lên"11.
Từ mô hình nhà nước công nông chuyển sang mô hình nhà nước dân chủ cộng hoà, đại biểu cho khối đại đoàn kết của toàn thể quốc dân là một bước chuyển sáng suốt của Hồ Chí Minh, phản ánh được thực tiễn của dân tộc, phù hợp với sự chuyển hướng chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.
Giữa năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Phát xít Đức đã bị đánh bại, phát xít Nhật đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Thời cơ ngàn năm có một cho dân tộc ta giành độc lập đã tới. Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh đã chỉ thị thành lập khu giải phóng, cử ra uỷ ban lâm thời, thực hiện chức năng chính quyền cách mạng. ở các địa phương trong khu giải phóng, các uỷ ban nhân dân cũng được nhân dân cử ra để thực hiện 10 chính sách của Việt Minh. Khu giải phóng là hình ảnh "nước Việt Nam phôi thai", các uỷ ban vừa lãnh đạo nhân dân chuẩn bị tổng khởi nghĩa, vừa tập cho nhân dân nắm chính quyền.
Tại Tân Trào, trung tâm của khu giải phóng, từ giữa năm 1945, Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Quốc dân Đại hội để lập ra một chính phủ lâm thời của nước Việt Nam. Tiếp theo Hội nghị toàn quốc của Đảng, Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh đã quyết định khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân, thông qua lệnh tổng khởi nghĩa. Quốc dân Đại hội đã quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và 13 uỷ viên. Uỷ ban sẽ chủ trì mọi công việc đối nội và đối ngoại.
Thắng lợi của Quốc dân Đại hội Tân Trào là một biểu hiện sáng tạo, một thành công lớn của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng, phát triển tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc bằng hình thức tổ chức đại hội đại biểu quốc dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công. Uỷ ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời, mời thêm một số nhân sĩ tham gia để gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà nhân dân giao phó. Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, hiện thực hoá chủ trương của Hội nghị Trung ương lần thứ tám, Chương trình Việt Minh và tư tưởng của Người về nhà nước cộng hoà dân chủ trong thực tiễn. Chính phủ lâm thời thật sự là một chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách chỉ đạo, điều hành đất nước trước khi bầu Quốc hội để lập ra chính phủ chính thức. Thành viên của Chính phủ đại biểu cho nhiều giai cấp, tầng lớp thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Do tình thế đặc biệt, ngày 1-1-1946, Chính phủ lâm thời đã tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời thu hút thêm một số thành viên của Việt Quốc và Việt Cách. Chương trình đầu tiên của Chính phủ liên hiệp lâm thời là chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử bầu ra cơ quan đại diện của toàn dân, bảo đảm địa vị pháp lý của nhà nước cách mạng.
Ngày 8-9-1945, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14/SL về tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ: "Chiểu theo nghị quyết của Quốc dân đại biểu đại hội ngày 16, 17 - 8-1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu ra theo lối phổ thông đầu phiếu"12 và "Tất công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất quyền công dân và những người trí óc không bình thường"13.
Việc chuẩn bị tổng tuyển cử được xúc tiến triển khai. Các ban bầu cử được thành lập tới tận làng xã do uỷ ban hành chính các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Mặc dù phải đối phó với sự phá hoại điên cuồng của kẻ thù, song cuộc bầu cử đã thành công tốt đẹp, với số cử tri đi bỏ phiếu rất cao, tỷ lệ trung bình đạt tới 89%. Toàn quốc đã bầu được 333 đại biểu đại diện cho cử tri trong cả nước.
Cuộc Tổng tuyển cử 6-1-1946 thắng lợi đánh dấu bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam mới với sự ra đời của Nghị viện nhân dân - Quốc hội do dân bầu ra. Đó là một Quốc hội thật sự dân chủ, Quốc hội lập quốc, lập hiến, Quốc hội của đại đoàn kết toàn dân. Do tình thế đặc biệt cần phải nhân nhượng nên Quốc hội đã mở rộng thêm 70 ghế cho Việt Quốc và Việt Cách không qua bầu cử. Điểm đặc biệt là trước khi được quy định trong Hiến pháp, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội đã từng bước khẳng định trong thực tế qua các phiên họp Quốc hội. Tại phiên họp thứ nhất ngày 2-3-1946, Quốc hội đã lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến, gồm 12 thành viên do Hồ Chí Minh đứng đầu, lập ra Cố vấn đoàn, Kháng chiến uỷ viên hội và Ban Thường trực Quốc hội, quy định khi Chính phủ tuyên chiến hay đình chiến bắt buộc phải xin ý kiến Ban Thường trực Quốc hội. Trong phiên họp thứ hai, vai trò của Quốc hội càng thể hiện rõ hơn thông qua việc thực hiện những nhiệm vụ quan trọng về đối nội và đối ngoại trong bối cảnh cực kỳ phức tạp của đất nước.
Cùng với tổng tuyển cử bầu Quốc hội, việc soạn thảo Hiến pháp được Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt. Một uỷ ban dự thảo Hiến pháp được thành lập theo Sắc lệnh số 34/SL, ngày 20-9-1945, gồm 7 thành viên, do Hồ Chí Minh đứng đầu. Sau 14 tháng chuẩn bị, ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã được Quốc hội thông qua, đặt cơ sở pháp lý cho tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước và toàn xã hội.
Sau Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, quân đội Trung Hoa dân quốc buộc phải rút khỏi nước ta, bọn cầm đầu Việt Quốc, Việt Cách không còn chỗ dựa cũng bỏ trốn. Ngày 3-11-1946, Quốc hội đã thông qua danh sách Chính phủ mới do Hồ Chí Minh đệ trình, gồm 14 uỷ viên. Đây là một chính phủ tỏ rõ tinh thần liên hiệp, "chú trọng thực tế và sự nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới"14.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cách mạng nước ta chuyển sang một thời kỳ mới. Thành phần Chính phủ có sự thay đổi cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến. Một số nhân sĩ, trí thức được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện sự liên hiệp quốc dân rộng rãi hơn.
Cùng với cơ quan lập pháp và hành pháp, hệ thống cơ quan tư pháp cũng được thiết lập. Ngày 13-9-1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 32 bãi bỏ các ngạch quan lại tư pháp cũ và Sắc lệnh số 33C thiết lập toà án quân sự. Tiếp đó, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 37 ngày 26-9-1945 về thẩm quyền theo lãnh thổ của toà án quân sự và Sắc lệnh số 21 ngày 14-2-1946 thay thế Sắc lệnh số 33C.
Bên cạnh các cơ quan trung ương, việc xây dựng hệ thống chính quyền các cấp được chú trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, để không gây xáo trộn, Nhà nước chủ trương giữ nguyên các đơn vị hành chính cũ, có điều chỉnh cho thống nhất với toàn quốc, gồm bốn cấp là: kỳ (sau đổi thành bộ), tỉnh, huyện và xã. Để bảo đảm tính pháp lý và sự thống nhất, Chính phủ đã ra Sắc lệnh 63, ngày 22-11-1945 về tổ chức chính quyền nhân dân địa phương (ở nông thôn) và Sắc lệnh số 77 ngày 21-12-1945 về chính quyền nhân dân ở đô thị. Theo Sắc lệnh số 63, chính quyền nhân dân địa phương gồm hai cơ quan: hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính. ở cấp tỉnh và xã có cả hai cơ quan trên, còn cấp kỳ và huyện chỉ có uỷ ban hành chính.
Trong tiến trình kháng chiến, hệ thống chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố và kiện toàn, bảo đảm đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.
Sự hình thành của Nhà nước cộng hoà dân chủ Việt Nam là kết quả của một quá trình tìm tòi, khảo nghiệm lâu dài của Hồ Chí Minh, là thành quả lớn nhất của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào lập ra Uỷ ban dân tộc giải phóng đến Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lập ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thông qua Hiến pháp, từng bước xây dựng hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, thể chế nhà nước cộng hoà dân chủ Việt Nam đã được xác lập. Đó là một nhà nước hợp pháp, hợp hiến, dân chủ, một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.

                    Thái Phương


1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.1, tr.435, 436.
2, 4, 5, 6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 270, 274, 270.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1.
7, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd
9 . Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.154.
10, 11. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, t.7, tr. 150, 127.
12, 13. Việt Nam dân quốc công báo, số ngày 29-9-1945.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.430.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét